Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

[6 tình huống phổ biến trong luật lao động] Tình huống 4: Chuyển vị trí công việc và giảm lương có trái quy định?

Phải bắt đầu sao nhể? Ừm, thường thì khi được tuyển vào làm tại vị trí ứng tuyển, tất nhiên là bạn sẽ làm những công việc cần thiết phục vụ cho vị trí đó, học hỏi kinh nghiệm và phát triển khả năng của bản thân tại vị trí đó, nếu có thăng tiến thì công việc vẫn sẽ thuộc mảng đó. Nhưng nếu một ngày đẹp giời, bạn nhận được thông báo điều chuyển sang một phòng ban khác để công tác và làm việc, hay được điều chuyển sang một vị trí hoàn toàn mới thì sao?



Việc luân chuyển vị trí công việc không phải là chuyện không tốt. Nhiều khi, các lãnh đạo sẽ thực hiện việc luân chuyển vị trí của nhân viên để tạo điều kiện tiếp cận với nhiều mảng công việc hơn nhằm nâng cao trình độ và tăng khả năng làm việc một cách đa năng hơn của nhân viên và khi hiểu được tất cả các mảng của một bộ phận nhất định nào đó, nhân viên có thể được đề bạt lên vị trí cao hơn là quản lý. Việc luân chuyển này cũng sẽ tạo được cái nhìn tổng quan cho nhân viên khi làm quản lý sau này. Ngoài ra, hồi đi học ở trường, cô cũng có dạy, đây là một cách để đào tạo nhân viên và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp nữa.

Nhưng nếu công ty lợi dụng việc này nhằm chuyển nhân viên sang một vị trí khác, ví dụ:

- Tôi là lái xe chở hàng của công ty nhưng mới đây tôi nhận được quyết định điều chuyển về làm bảo vệ của chi nhánh
- Vì một vài lý do, Giám đốc không thích tôi làm kế toán nữa mà muốn chuyển tôi sang làm công việc nhân viên phục vụ
- Sếp trực tiếp của tôi cứ thấy chỗ nào trống hay bị vấn đề là đẩy tôi qua nhờ tôi giải quyết, trong vòng 1 tháng mà tới 3,4 lần
(Nguồn ví dụ: Sưu tẩm)

Trong những ví dụ này, bạn được yêu cầu chuyển sang làm một vị trí mới nhưng lại bị giảm lương, vị trí mình không mong muốn… Điều này liệu có trái luật pháp và thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng lao động?

Theo quy định của Bộ luật lao động:

Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động hoặc theo thỏa thuận khác giữa hai bên."

"Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định."
Vậy là có câu trả lời rồi nhé, nếu công ty đang làm trái quy định thì bạn đã biết là nó được quy định thế nào rồi đó. Cứ lôi luật ra và phang thôi. *cười*. Nếu không chấp nhận luân chuyển sang vị trí mới bạn có thể từ chối hoặc chấm dứt hợp đồng lao động nếu cần.

Theo quy định tại điều 37 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu không được bố trí công việc theo như thỏa thuận trọng hợp đồng lao động:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.”

Và phải đảm bảo thời hạn báo trước theo khoản 2 điều này:

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này”

Thảo Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét