Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Không sửa Luật Lao động, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản?

Một vị đại biểu - doanh nhân cho rằng bất cập tại Bộ luật Lao động có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến phá sản...

Không sửa Luật Lao động, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản?
Cũng liên quan đến Bộ luật Lao động, đại biểu Sơn đề nghị cần xem lại quy định làm thêm không quá 200 giờ một năm.
HÀI HÒA
Cho tạm dừng việc thực hiện điều 36 của Bộ luật Lao động để giảm nguy cơ phá sản của doanh nghiệp trước việc người lao động có thể lợi dụng quy định này, là đề nghị được ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, vừa kết thúc chiều 22/4.
Là doanh nhân - đại biểu Quốc hội đương nhiệm cũng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, ông Sơn được mời phát biểu trong không khí thảo luận sôi nổi về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hành động mà ông Sơn phải sử dụng đến cụm từ khẩn thiết, đó là sửa Luật Lao động. Bởi theo quy định tại điều 36 thì kể cả khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng phải trả trợ cấp lao động.

Điều này, theo ông Sơn là rất bất cập, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản.

Đề nghị được vị đại biểu - doanh nhân này đưa ra là sửa theo hướng như trước đây, tức là chỉ khi người sử dụng đơn phương chấm dút hợp đồng lao động thì mới phải trả trợ cấp cho người lao động.

Nếu tự bỏ việc thì đúng ra người lao động còn phải bồi thường cho doanh nghiệp,  ông Sơn nhấn mạnh.

Vẫn theo phân tích của doanh nhân này thì nếu người lao động lợi dụng quy định tại điều 36 để xin nghỉ việc, được trợ cấp thôi việc và vẫn không ảnh hưởng đến chế độ hưu trí thì sẽ thiệt hại cho cả nhà nước và doanh nghiệp.

Đề nghị xem xét lại việc này, trước hết cho tạm dừng việc thực hiện điều 36 để doanh nghiệp giảm nguy cơ phá sản, ông Sơn quyết liệt.

Cũng liên quan đến Bộ luật Lao động, đại biểu Sơn đề nghị cần xem lại quy định làm thêm không quá 200 giờ một năm. Bởi làm thêm giờ là mong muốn của người lao động là chính, còn người sử dụng lao động muốn người lao động làm thêm giờ không nhiều. 

Ông Sơn cũng cho rằng việc giới hạn không quá 200 giờ không hẳn đã tạo điều kiện cho người lao động có thời gian tái tạo sức lao động như giải thích của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy lao động phải đi làm thêm ở chỗ khác không đúng với chuyên môn của mình. 

Như vậy quy định trên cũng chính là cản trở mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập của  người lao động.

Mặt khác thì trên thực tế nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị làm hàng xuất khẩu cũng không áp dụng dược cái này nên mặc dù biết là vi phạm vẫn phải thỏa thuận với người lao động, song lại nơm nớp lo khi có doàn thanh tra kiểm tra thì sẽ có vấn đề.

Nhiều nước phát triển hơn Việt Nam vẫn cho phép làm thêm đến 600 giờ, vì thế nên sửa luật theo hướng có thỏa thuận có nhu cầu làm thêm thì cho phép làm thêm quá 200 giờ, ông Sơn đề nghị.

Trao đổi lại những đề nghị của doanh nhân - đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động - ông Bùi Sỹ Lợi giải thích, luật cũ có nhiều bất cập nên khi sửa luật điều 36 được thiết kế trên tinh thần người lao động đã có đóng góp cho doanh nghiệp thì khi chấm dứt hợp đồng người sử dụng cần trả lại công sức cho người lao động.

Về quy định làm thêm giờ, trước đây quy định tối đa không quá 300 giờ một năm đã gây ra tác động hại ngược, năng suất lao động không tăng lên. Nếu tăng thêm thời gian vô hình chung đã đẩy bớt người lao động ra khỏi doanh nghiệp.

Trong diễn đàn có nhiều đại biểu - doanh nhân và có cả đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, song không có vị nào lên tiếng về vấn đề ông Sơn nêu và hồi âm của ông Lợi.

Tuy nhiên, nói như ông Bùi Sỹ Lợi thì nếu Chính phủ muốn sửa điều nào ở Luật Lao động xin cứ có tờ trình, và Quốc hội sẽ xem xét theo đúng quy trình.


Lương và bảo hiểm tăng: Doanh nghiệp sẽ phải 'lách' luật?

TP - Đồng ý phải tăng lương cho người lao động, nhưng cùng với tăng mức đóng bảo hiểm từ năm tới, không loại trừ khả năng doanh nghiệp (DN) phải “lách” luật để tồn tại.
Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ đẩy chi phí bảo hiểm. Ảnh: Phạm AnhViệc tăng lương tối thiểu vùng sẽ đẩy chi phí bảo hiểm. Ảnh: Phạm Anh
Dù “chốt” vẫn băn khoăn
Phương án lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2016 đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua, dự thảo nghị định mức lương tối thiểu vùng mới đã được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, mức tăng lương 12,4% vẫn khiến các DN băn khoăn, đặc biệt khi năm tới mức thu bảo hiểm cũng thay đổi (gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp). Theo đó, mức thu bảo hiểm thay vì tính trên cơ sở tiền lương như hiện nay sẽ tính trên tổng thu nhập hằng tháng của người lao động (tiền lương, tăng ca…). Ngày 17/9, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tổ chức gặp các DN và hiệp hội để lắng nghe ý kiến về mức tăng lương mới.
 Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng Cty may Hưng Yên cho biết, đồng ý tăng lương tối thiểu vùng, nhưng mức tăng 12,4% quá cao, không căn cứ trên sức khỏe DN. Hiện lương bình quân Tổng Cty may Hưng Yên đạt 6,5 triệu đồng/tháng, trong khi khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ trả bằng mức lương tối thiểu vùng (3-4 triệu đồng/tháng). Do đó, theo ông Dương, tăng lương tối thiểu vùng sẽ buộc các DN FDI phải tăng lương cho người lao động, nhưng chỉ nên tăng không quá 10%.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), cũng đồng tình chỉ nên tăng lương tối thiểu vùng ở mức 9-10%. Chủ tịch VBF lý luận, lạm phát năm 2015 của Việt Nam ở mức 2,5%, tăng lương quá cao không tương xứng với mức tăng chi phí sinh hoạt thực tế, có thể đẩy lạm phát lên.
Mức tăng 9-10% cũng là đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), do mức này phù hợp với chi phí sinh hoạt thực tế và tỷ lệ lạm phát hiện tại. Ngoài ra, hiện DN đã và đang đối mặt với việc tăng chi phí cho lao động. “Trong tầm nhìn dài hạn, chúng tôi quan ngại về năng lực cạnh tranh của chi phí lao động tại Việt Nam so với các nước trong khu vực, nếu mức lương tối thiểu vùng liên tục tăng ở mức cao qua nhiều năm, bà Mai Lan Anh, Chủ tịch Tiểu ban Nhân lực và Đào tạo của EuroCham nói.
Bảo hiểm và phí công đoàn quá cao?
Ông Nguyễn Xuân Dương tính toán, hiện chi phí tiền lương của đơn vị mình chiếm 60% tổng lợi nhuận, tiền ăn ca chiếm 4%, bảo hiểm 10%, 26% lợi nhuận còn lại phải chi phí cho khấu hao thiết bị, vận tải, xuất nhập khẩu, đầu tư, lợi nhuận… Với cách tính bảo hiểm mới từ năm 2016, ông Dương dự tính DN sẽ phải tăng chi thêm 4% (chi bảo hiểm lên 14% tổng doanh thu). “Các DN chỉ còn cách bớt xén thu nhập người lao động để trang trải chi phí. Đơn vị nào không biết tiết kiệm sẽ lỗ, dẫn tới phá sản hoặc bị DN nước ngoài thôn tính”, ông Dương nói.
Trước sức ép tăng lương và bảo hiểm, ông Dương lo ngại DN chỉ còn 2 lựa chọn: Phá sản hoặc phải tính bài trốn chi phí. Ông không loại trừ khả năng các DN sẽ phải “lách” bảo hiểm, như tăng tiền ăn ca lên mức tối đa, tăng thưởng cuối năm (những chi phí không bị tính bảo hiểm) và giảm các chi phí phải tính vào bảo hiểm (lương, tiền tăng ca…).
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 2/3 thành viên của hội đề nghị chỉ tăng lương 6-7%, để đảm bảo cho DN tồn tại, có sức cạnh tranh, tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, VITAS kiến nghị nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng góp các khoản bảo hiểm, phí công đoàn về mức dưới 15%. Do hiện phí bảo hiểm và công đoàn tại Việt Nam bằng 32,5% lương người lao động, trong khi chi phí này ở Malaysia chỉ 13%, Philippines 10%...
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, đồng Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, ông đồng cảm với cộng đồng DN. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo nhu cầu sống của người lao động. Ông Huân mong các DN cắt giảm chi phí để dành nguồn tăng lương cho người lao động, vì đây là tài sản quý giá của DN. 
Theo phương án lương tối thiểu vùng năm 2016 được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua, lương người lao động sẽ tăng thêm từ 250- 400 nghìn đồng so với năm 2015 (tăng bình quân 12,4%). Cụ thể, mức 3,5 triệu đồng/tháng với vùng I; mức 3,1 triệu đồng/tháng với vùng II; mức 2,7 triệu đồng/tháng với vùng III và mức 2,4 triệu đồng/tháng với vùng IV. 

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/luong-va-bao-hiem-tang-doanh-nghiep-se-phai-lach-luat-910630.tpo

http://www.hrlink.vn/diendan/index.php?showtopic=87259&pid=161279&st=0&#entry161279

Luật lao động giờ gần như cấm nhân viên nhảy việc theo cách chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật – update 2015 về lý do xin nghỉ việc

1 bài viết của sư phụ Kính Cận

"Hôm trước up cái quy trình tổng thể về các công việc nhân sự tại: Cái nhìn tổng thể các công việc vật lý của nghề nhân sự theo quy trình, tôi thấy mọi người cũng quan tâm và cần. Thế là lại lần mò mở cả luật ra để update quy trình cho nó theo luật để mọi người tiện theo dõi. Tôi bắt đầu đọc từ các nghị định thông tư mới nhất trở về trước thì thấy có cái Nghị định NĐ 05/2015 NĐ-CPquy định một điểm khá khó chịu về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Trước khi đi vào điểm đó, chúng ta trở lại bài: Chú ý viết lý do xin nghỉ việc cẩn thận kẻo mắc oan của tôi. Trong bài này tôi có đưa ra nhận định:
Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Mỗi lý do đều phải có bằng chứng. Tốt nhất nên viết là: "vì hoàn cảnh gia đình và bản thân gặp khó khăn không thể tiếp tục hợp đồng lao động". Ghi chung chung như vậy là ổn nhất. Đừng cố ghi chi tiết như là: nhà xa, con nhỏ ... để rồi lại luận ra là không đúng luật. Nhiều người không biết cái nho nhỏ này, cứ viết đơn xong rồi thì tiếp tục chờ số ngày phù hợp theo luật và nghỉ luôn. "
Mọi người có thấy rằng trong bài viết trên tôi khuyên mọi người viết lý do xin nghỉ là căn cứ vào điểm d khoản 1 của điều 37 này. Nhưng giờ điểm d này đã được Nghị định 05/2015 NĐ - CP quy định một cách cụ thể:
Điều 11. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
Như thế điểm d ở trên đã được tách thành 3 ý. Và chúng ta có 9 cái lý do để chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Có một thực tế rằng, khi người lao động xin nghỉ với 9 lý do này thì các công ty (người sử dụng lao động) lại bắt nhân viên (người lao động) về xin xác nhận của địa phương (nhất là lý do ở điểm d). Vì thế mọi người (người lao động) thỉnh thoảng lại hỏi tôi là cái việc về xin xác nhận của địa phương kia có quy định trong luật không ? Điểm này có thể góp ý cho thông tư sắp ra đời hướng dẫn cho Nghị định 05 ở bài này: Nhờ góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Như vậy gần như luật đã cấm cửa cho nhân viên (người lao động) nhảy việc một cách hợp pháp rồi. Cứ ai nghỉ việc là chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Và khi trái luật thì bị thế này (xem bài): Nghỉ việc (thôi việc) không đúng luật (không đúng lý do, không báo trước đủ số ngày) thì bị gì – update 2015?"
Nguồn: http://blognhansu.net/2015/05/25/ly-do-xin-nghi-viec-dung-luat-2015/#ixzz3nEywTLRk

Những vấn đề chung về bảo hiểm xã hội

1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 1 Luật Bảo hiểm xã hội: Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh. 
3. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia.
4. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.
5. Bảo hiểm xã hội dựa trên những nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội dựa trên những nguyên tắc sau:
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.
- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.
- Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
6. Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội gồm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
7. Hiểu thế nào là người lao động?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Bộ Luật lao động: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.
8. Hiểu như thế nào người thất nghiệp?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Người thất nghiệp được hiểu là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
9. Hiểu thế nào là người sử dụng lao động?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Bộ Luật lao động: Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.
10. Hiểu thế nào là người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
11. Thế nào là thời gian đóng bảo hiểm xã hội?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
12. Hợp đồng lao động là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 của Bộ Luật lao động: Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
13. Có mấy loại hợp đồng lao động?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 Bộ Luật lao động, hợp đồng lao động có các loại sau:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm.
- Hợp đồng lao động theo mùa, vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.
14. Hãy cho biết nội dung cơ bản của hợp đồng lao động?
Trả lời :
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Bộ Luật lao động, hợp đồng lao động phải có những nội dung cơ bản sau đây:
- Công việc phải làm.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Tiền lương.
- Địa điểm làm việc.
- Thời hạn hợp đồng.
- Điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động.
15. Thỏa ước lao động tập thể bao gồm những nội dung gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Lao động, nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể bao gồm :
- Việc làm và bảo đảm việc làm.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng.
- Định mức lao động.
- An toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động.
(Nội dung thỏa ước tập thể không được trái với những quy định của Luật Lao động và các luật khác).
16. Quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:
- Đ­ược cấp sổ bảo hiểm xã hội;
- Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;
- Nhận lư­ơng h­ưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;
- H­ưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+ Đang hưởng lư­ơng hư­u;
+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
+ Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Uỷ quyền cho ngư­ời khác nhận lư­ơng h­ưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội;
- Yêu cầu ngư­ời sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội; yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội;
- Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; 
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
17. Trách nhiệm của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau đây:
- Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
- Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội;
- Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định;
- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc thực hiện các trách nhiệm trên, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn có các trách nhiệm sau đây:
+ Đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
+ Thông báo hằng tháng với tổ chức bảo hiểm xã hội về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu.
18. Quyền của người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động có các quyền sau đây:
- Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
19. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động có các trách nhiệm sau đây:
- Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định;
- Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của ng­ười lao động trong thời gian ngư­ời lao động làm việc;
- Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc;
- Lập hồ sơ để ng­ười lao động được cấp sổ, đóng và hư­ởng bảo hiểm xã hội;
- Trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động;
- Giới thiệu ngư­ời lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của ngư­ời lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
20. Vị trí và chức năng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
Nghị định 94/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định: 
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định của pháp luật.
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
21. Hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
Nghị định 94/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm có:
- Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố.
22. Quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội khi tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội: Tổ chức bảo hiểm xã hội khi tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:
- Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật;
- Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội không đúng quy định;
- Khiếu nại về bảo hiểm xã hội;
- Kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội và trả các chế độ bảo hiểm xã hội;
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội;
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
23. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội khi tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội: Tổ chức bảo hiểm xã hội khi tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau:
- Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;
- Thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
- Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện việc trả lương h­ưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn;
- Cấp sổ bảo hiểm xã hội đến từng người lao động;
- Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trư­ởng quỹ bảo hiểm xã hội;
- Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
- Giới thiệu ng­ười lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
- Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội. Hằng năm, báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội;
- Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi ngư­ời lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền;
- Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội;
- Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội;
- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
24. Luật Bảo hiểm xã hội quy định quyền của tổ chức công đoàn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội: Tổ chức công đoàn có các quyền sau đây:
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
- Yêu cầu người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động;
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
25. Luật Bảo hiểm xã hội quy định trách nhiệm của tổ chức công đoàn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội: Tổ chức công đoàn có trách nhiệm sau đây:
- Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người lao động;
- Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.
26. Vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động?
Trả lời:
Mục đích lớn nhất của bảo hiểm xã hội là bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ, người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập mất đi khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm; khi họ hết tuổi lao động theo quy định sẽ được hưởng chế độ hưu trí (lương hưu); khi chết sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất, mai táng phí; ngoài ra được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và dưỡng sức.
Tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động yên tâm cống hiến và không phải lo lắng nhiều về những rủi ro mà mình có thể gặp phải trong hoạt động lao động sản xuất, công tác, sinh hoạt. Bảo hiểm xã hội góp phần làm hạn chế và điều hòa các mâu thuẫn giữa người tham gia bảo hiểm xã hội và người sử dụng lao động, tạo môi trường làm việc ổn định, đảm bảo cho hoạt động lao động sản xuất, công tác với hiệu quả cao, từ đó góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
27. Bảo hiểm xã hội góp phần thực hiện công bằng xã hội như thế nào?
Trả lời:
Bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc người lao động bình đẳng trong nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi mình được hưởng bảo hiểm xã hội. Thông qua hoạt động, Quỹ bảo hiểm xã hội tham gia vào việc phân phối và phân phối lại thu nhập xã hội giữa những người lao động thế hệ trước với thế hệ sau, giữa những ngành nghề sản xuất, giữa những người thu nhập cao và thu nhập thấp, giữa các giới, giữa những người may mắn và không may mắn. Vì vậy, bảo hiểm xã hội góp phần thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
28. Vai trò của Quỹ bảo hiểm xã hội đối với nền kinh tế của đất nước?
Trả lời:
Quỹ bảo hiểm xã hội là nguồn tài chính lớn hình thành từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động được tồn tích lại, nguồn tài chính này tương đối nhàn rỗi vì có thể tính toán tương đối chính xác nhu cầu chi trả bảo hiểm xã hội, chi phí quản lý. Để bảo toàn và phát triển nguồn quỹ nhàn rỗi, bảo hiểm xã hội đem đầu tư lại cho nền kinh tế trong các chương trình, dự án kinh tế - xã hội sẽ phát huy tác dụng lớn và mang lại hiệu quả, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước đã khẳng định phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính thì nguồn đầu tư tiền nhàn rỗi từ Quỹ bảo hiểm xã hội là một kênh quan trọng.
29. Hiểu thế nào là người lao động được bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi đối với bảo hiểm xã hội?
Trả lời:
Tất cả người lao động trong xã hội đều được hưởng thụ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng”, “lấy số đông bù số ít”; vừa mang tính bắt buộc vừa mang tính tự nguyện; Nhà nước và người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động, ngược lại người lao động cũng có trách nhiệm phải tự bảo hiểm cho mình (khi không may gặp phải những rủi ro, về già…); sự đóng góp của các bên tham gia để tự hình thành quỹ bảo hiểm xã hội độc lập và tập trung… Sự bình đẳng, công bằng trong bảo hiểm xã hội trước hết phải được xét dưới góc độ mối quan hệ giữa đóng góp và hưởng thụ tương ứng; công bằng không có nghĩa là sự san đều giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền tham gia bảo hiểm xã hội.
30. Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại?
Trả lời:
Sự giống nhau:
- Hai loại bảo hiểm này được thực hiện trên cùng một nguyên tắc là: có tham gia đóng góp bảo hiểm thì mới được hưởng quyền lợi, không đóng góp thì không được đòi hỏi quyền lợi.
- Hoạt động của hai loại bảo hiểm này đều nhằm để bù đắp tài chính cho các đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải những rủi ro gây ra thiệt hại trong khuôn khổ bảo hiểm đang tham gia.
- Phương thức hoạt động của hai loại hình bảo hiểm này đều mang tính “cộng đồng - lấy số đông bù số ít” tức là dùng số tiền đóng góp của số đông người tham gia để bù đắp, chia sẻ cho một số ít người gặp phải biến cố rủi ro gây ra tổn thất.
Sự khác nhau:
- Mục tiêu hoạt động của bảo hiểm thương mại là lợi nhuận. Mục tiêu hoạt động bảo hiểm xã hội là nhằm thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và các thành viên trong gia đình họ. Vì vậy hoạt động bảo hiểm xã hội là hoạt động phi lợi nhuận và nhằm mục đích an sinh xã hội.
- Phạm vi hoạt động của bảo hiểm xã hội liên quan trực tiếp đến người lao động và các thành viên trong gia đình họ và chỉ diễn ra trong từng quốc gia. Hoạt động bảo hiểm thương mại rộng hơn, không chỉ diễn ra trong từng quốc gia mà còn trải rộng xuyên quốc gia, có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.
- Cơ sở nguồn tiền đóng, mức đóng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hoàn toàn dựa vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động. Bảo hiểm xã hội thực hiện các quy định theo chính sách xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ để đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị của quốc gia.
- Bảo hiểm thương mại thực hiện theo cơ chế thị trường và nguyên tắc hạch toán kinh doanh. Quan hệ giữa mức đóng góp và mức hưởng là quan hệ tương đồng thuần tuý, tức là ứng với mỗi mức đóng góp bảo hiểm nhất định thì khi xẩy ra rủi ro sẽ nhận được một mức quyền lợi tương ứng quy định trước.

Nguồn: http://baohiemxahoi.gov.vn/?u=con&cid=301&t=1
http://www.hrlink.vn/diendan/index.php?showtopic=87254&pid=161274&st=0&#entry161274