Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

[6 tình huống phổ biến trong luật lao động] Tình huống 1: Doanh nghiệp giữ bằng cấp của NLĐ

Về việc giữ bằng cấp của người lao động, chỉ cần lướt mạng vài phút là thấy cả tấn trường hợp người lao động bị giữ bằng do không biết quy định của Bộ luật lao động 2012. Cụ thể:

Hãy trở thành người lao động thông thái

Điều 20 của Bộ luật lao động quy định Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng”.

Căn cứ quy định nêu trên, người sử dụng lao động nếu giữ bằng cấp gốc của người lao động là đã có hành vi vi phạm quy định của Pháp luật lao động khi lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn tìm được việc làm để giữ giấy tờ bản chính của người lao động.

Khoản 2; khoản 3 – Điều 5 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động:
“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a)    Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b)    Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3.     Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)    Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b)    Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
(Theo Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 01/05/2013)

Tuy nhiên, đối với sinh viên mới ra trường, niềm mong ước lớn nhất là xin được việc vì vậy, việc giữ bằng cấp của các doanh nghiệp muốn giữ chân nguồn nhân lực lại được tiếp tay và coi như là bình thường. Ví dụ như lời khuyên nghe rất lọt tai của những người đi trước như ở đây:

Các công ty không muốn đi thêm trách nhiệm khi giữ bằng gốc của các bạn làm gì đâu. Nhưng các bạn tự hỏi tại sao họ lại phải làm thế đi.

1. Đánh giá xem các bạn coi trọng cái bằng hay năng lực thực sự của các bạn. Nói thật là tuy mình sinh ra từ cái thời coi cái bằng là quan trọng mà đến giờ mình chưa 1 lần sử dụng tới bằng, khi thực tập đã được nhận vào làm, khi chuyển cty là do họ đọc CV của mình quá ấn tượng (vai trò ở các dự án đã tham gia), trong đó phần ghi bằng cấp chỉ là liệt kê đính kèm mấy tờ photo, bởi lúc đó nếu mình ghi là bằng Trung Cấp thì chắc họ cũng chẳng quan tâm. Bây giờ nói thật là mấy cái bằng gốc mình vứt đi đâu cũng chẳng biết nữa. Vậy các bạn hãy tự chứng minh cho các DN thấy là họ sẽ ko cần phải quan tâm tới cái bằng thật của bạn là bằng gì nữa (vì cái đó với DN chỉ là để lưu trữ hồ sơ mà thôi).

2. Ai (nhất là SV mới ra trường) cũng có tư tưởng vào làm để lấy KN để rồi lại nhảy nhót sang chỗ mới. Ko bao giờ xem xét kỹ về công việc họ mô tả, ngành nghề mà cty KD,... có phù hợp với sở trường, sự yêu thích, đam mê của mình hay không. Cũng chẳng thèm "nghiên cứu kỹ" cách/phương pháp/môi trường làm việc ở cty trước khi vào làm. Nói thật ko phải là cty cứ có môi trường to và đẹp là phù hợp đâu. Nhiều bạn cứ nhìn họ to, hoành tá tràng, v.v... là sướng rồi đâm đầu vào làm để rồi khi vào mới thấy ko phù hợp. Tốt nhất khi trong quá trình thử việc hãy hỏi và quan sát các đồng nghiệp cũ xem họ có happy hay ko, có điểm gì hay/dở ở công ty đó, xem xét công việc xem có nằm trên mục tiêu nghề nghiệp của mình hay ko rồi hãy mình tự quyết định. Một khi bạn đã làm hết mình vì công việc, có kết quả đóng góp cho công ty trong 1 thời gian nhất định thì khi bạn có ra đi họ sẽ cám ơn bạn rất nhiều. Hãy sống và làm việc để khi bạn ra đi, các đồng nghiệp và sếp cũ trở thành những người bạn, người anh, người chị sau này của bạn. Những nhân viên bọn mình thời làm công ty cũ (cả người đã ra đi và người đang còn làm ở cty cũ) vẫn thường xuyên offline ôn lại kỷ niệm cũ rất thân thiết và vui vẻ. Nếu chỉ làm vài ba tháng chẳng có đóng góp gì cho cty cũ thì sẽ chẳng có những chuyện như thế đâu.

3. Khi đi làm, ngoài mục tiêu kiếm tiền thì các bạn chú ý xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, liệu 3 năm nữa, 5 năm nữa mình sẽ trở thành người như thế nào, nếu làm cv đó, ở môi trường cty đó thì mình phải làm gì để đạt được mục tiêu? v.v... Đa phần (có khi tới 99%) các bạn khi vào làm 1 cty là "kiếm 1 công việc để làm", đặc biệt là nhiều người đi làm chỉ vì "sợ bị nói ra nói vào là thất nghiệp" nên chẳng chịu nghiên cứu, tìm hiểu kỹ mà cứ vớ cty nào là đâm đầu vào làm ở cty đó.”

(Sưu tầm nguyên văn trên diễn đàn webketoan.com 23/8/2013)

Và thường thì đến lúc xin thôi việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, lo sợ phải bồi thường thì lúc đó người lao động mới lôi Luật ra ngồi tỉ mẩn. Ngoài ra, khi đi xin ý kiến về việc giữ bằng cấp có phải là trái luật không thì một số người lao động không may lại đi hỏi nhầm người. Trong trường hợp dưới đây là phần giải đáp của NSDLĐ cũng chưa cập nhật thông tin Bộ luật lao động 2012 và kết quả là NLĐ nhận được câu trả lời như sau:

“Hi.chào em. Nộp bằng gốc hay không tùy vào quy định của từng công ty. Nhiêu công ty muốn nhân viên nộp bằng gốc để họ giữ chân nhân viên làm việc lâu dài. Theo phân tích của chị, em là nv kinh doanh nên sẽ có list của khách hàng công ty, và họ không muốn e làm cho công ty khác vì biết đâu e sẽ cung cấp cho công ty ds khách hàng của họ .Việc lưu giữ bản chính bằng cấp của NLĐ tại công ty là do sự thỏa thuận giữa công ty và NLĐ và pháp luật không cấm (trừ việc giữ CMND). Nếu NLĐ không đồng ý với việc này thì có quyền không làm việc cho công ty. Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 6/5/2010 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động cũng không có điều khoản phạt vi phạm về việc công ty giữ bản chính bằng cấp của NLĐ.

Tuy nhiên việc lưu giữ bản chính bằng cấp này sẽ nảy sinh các vấn đề sau đây:
1. Trường hợp công ty làm hỏng hoặc làm mất các văn bằng này thì trách nhiệm như thế nào? Bồi thường ra sao?
Do đó, phải có Thỏa thuận dân sự cụ thể về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
2. Trong quá trình làm việc, nếu NLĐ muốn lấy lại bản chính bằng cấp có được không?
Điều này có thể ghi trong Thỏa thuận nói trên hoặc theo sự thống nhất giữa hai bên.
3. Công ty có gây khó dễ khi NLĐ không muốn tiếp tục làm việc cho công ty?
Khi NLĐ nghỉ việc tại công ty thì công ty có nghĩa vụ phải giao lại bản chính bằng cấp này cho NLĐ trong mọi trường hợp. Nếu công ty không giao lại bản chính bằng cấp cho NLĐ thì NLĐ có thể báo cáo cho Cơ quan quản lý lao động hoặc khởi kiện theo quy định.

(Sưu tầm nguyên văn trường hợp giải đáp trên Facebook ngày 23/9/2014)

Tóm lại một câu, việc doanh nghiệp giữ bằng cấp gốc của nhân viên là trái pháp luật. Nhưng việc có bị giữ bằng cấp gốc hay không lại là do quyết định của người lao động có để cho doanh nghiệp giữ hay không mà thôi. Người lao động nên sáng suốt hơn và tìm hiểu kỹ luật pháp trước khi tự mình làm khổ mình rồi đến lúc lại đổ cho người này, người nọ.


Thảo Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét